Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Vì sao đêm mùa hè lại nhiều sao hơn mùa đông?


  
 
Những đêm hè trời quang, nhìn lên bầu trời chúng ta sẽ thấy chi chít các vì sao và rõ ràng là nhiều hơn hẳn so với đêm mùa đông. Tại sao vậy? Lý do là mùa hè chúng ta đứng ở gần trung tâm ngân hà, nơi có nhiều sao nhất, còn mùa đông, trái đất của chúng ta đứng ở rìa ngân hà, nơi có ít sao hơn.Trong hệ ngân hà của chúng ta có khoảng 100 tỷ sao và chủ yếu phân bố trong vùng có hình một chiếc “bánh tròn”.
Phần giữa chiếc bánh này hơi dầy hơn xung quanh. Ánh sáng đi từ phía mép “bánh” bên này đến phía bên kia phải mất 10 vạn năm ánh sáng, đi từ mặt trên xuống mặt dưới bánh cũng phải mất 1 vạn năm ánh sáng.
Năm ánh sáng là một đơn vị đo khoảng cách. Đó là quãng đường mà ánh sáng có thể đi được trong 1 năm. Ánh sáng di chuyển với vận tốc khoảng 300.000 km/s. Như vậy, trong 1 năm, nó có thể đi được khoảng 10 ngàn tỉ km, tương đương với chiều dài của 1 năm ánh sáng.
Nếu mặt trời nằm giữa hệ thì dù chúng ta nhìn từ phía nào cũng thấy số lượng sao trên trời nhiều như nhau. Thế nhưng hệ mặt trời cách trung tâm hệ ngân hà khoảng 3 vạn năm ánh sáng. Khi chúng ta nhìn về phía trung tâm ngân hà sẽ thấy ở khu vực đó dày đặc các vì sao.
Ngược lại, nếu nhìn về phía đối diện trung tâm ngân hà sẽ chỉ nhìn thấy một số ít sao trong một phần của hệ. Về mùa hè trái đất chuyển động đến khu vực giữa mặt trời và hệ ngân hà gọi là đới ngân hà. Đới ngân hà là khu vực chủ yếu của hệ ngân hà, tập trung nhiều sao của hệ. Bầu trời đêm hè chúng ta nhìn thấy chính là đới ngân hà dày đặc các vì sao.
 Về mùa đông và các mùa khác, khu vực đới ngân hà nằm về phía Trái đất đang ở ban ngày, nên rất khó nhìn thấy. Còn ở mặt kia của trái đất (vùng đang là đêm) sẽ không thể nhìn thấy chúng.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Nông Nghiệp


1 nhận xét: