Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Tại sao con lật đật không bao giờ bị đổ

 Theo khoa học, muốn cho một vật ổn định, không đổ thì cần phải thỏa mãn hai điều kiện là diện tích đáy của vật đó phải lớn, trọng lượng phải tập trung ở phần đáy. Trọng tâm của vật phải thấp. Đối với bất cứ vật thể nào, nếu diện tích đáy của nó càng lớn, trọng tâm càng thấp, thì nó càng vững vàng, ổn định và không dễ bị đổ.

Lật đật không bao giờ bị đổ

Con lật đật sở dĩ không đổ là vì toàn bộ thân hình con lật đật đều rất nhẹ chỉ có phần đáy của nó có một vật tương đối nặng - một miếng chì hoặc miếng thép. Vì thế, trọng tâm của nó rất thấp. Mặt khác diện tích đáy của con lật đật vừa to lại vừa tròn nhẵn dễ dao động. Độ nghiêng của con lật đật càng lớn, khoảng cách mà điểm tựa cách xa trọng tâm càng lớn, thế năng dao động do trọng lượng sinh ra sẽ theo đó mà tăng lên khiến xu thế khôi phục lại vị trí cũ của nó cũng càng rõ rệt, vì vậy không bao giờ đẩy ngã được con lật đật.

Giống như con lật đật, những vật thể tĩnh sau khi chịu sự tác động nhỏ có thể tự khôi phục trạng thái cân bằng của vị trí ban đầu, trong vật lý học gọi là cân bằng ổn định. Còn các vật thể hình cầu như quả bóng bàn, quả bóng đá, hay bóng chuyền, sau khi chịu ngoại lực, chúng có thể duy trì sự thăng bằng ở bất kỳ vị trí nào. Trạng thái này gọi là thăng bằng ở mọi vị trí.

Những vật thể có thể thăng bằng ở mọi ví trí có trọng tâm và điểm tựa ở trên cùng một đường thẳng, độ cao của trọng tâm không bao giờ thay đổi, chiếc bút được đặt nằm ngang trên bàn chính là một loại thăng bằng ở mọi vị trí, dù nó có lăn đi đâu thì độ cao trọng tâm cũng không bao giờ thay đổi.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Tại sao mọi cơn bão đều có tên và ai là người đặt tên cho bão?

 Ngày nay, mỗi cơn bão đều có tên riêng, và ai cũng thấy rằng việc đặt tên cho các cơn bão giúp chúng ta có thể thảo luận và phân biệt các cơn bão khác nhau một cách dễ dàng. Tuy nhiên, các nhà khí tượng học đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để giúp các cơn bão có “quyền lợi” được đặt tên riêng như bây giờ.

Trước kia, bão được đặt tên theo đường kinh-vĩ tuyến mà chúng đi quá. Cách đặt tên này đối với các nhà khí tượng thì không có vấn đề gì, nhưng đối với người dân thì lại rất khó nhớ.

Năm 1950, Cơ quan Khí tượng Hoa Kỳ đã phát triển một hệ thống đặt tên bão theo bảng chữ cái (như Able, Baker, Charlie…). Hệ thống này được sử dụng lặp đi lặp lại mỗi năm. Cơn bão đầu tiên trong năm luôn có tên là “Able”, cơn bão thứ hai trong năm luôn có tên là “Baker”, cứ như vậy.

Đến năm 1953, nhận thấy phương pháp đặt tên kiểu này có nhiều bất cập vì đã có nhiều cơn bão mang tên giống nhau, hệ thống này được thay đổi và các cơn bão sẽ được đặt theo tên phụ nữ. Cách làm này bắt chước các nhà khí tượng hàng hải, có thói quen đặt tên các con tàu theo tên phụ nữ.

Năm 1979, hệ thống này lại thay đổi lần nữa, các cơn bão được theo tên của cả phụ nữ và đàn ông.

Khi cơn bão bắt đầu xuất hiện vòng xoáy và có vận tốc gió đạt 39 dặm một giờ thì sẽ được đặt tên. 

Mỗi đại dương lớn trên thế giới sẽ có các danh sách tên bão cho riêng mình. Hiện nay, Đại Tây Dương có 6 danh sách tên bão và sẽ được quay vòng. Nghĩa là danh sách tên bão được sử dụng trong năm 2017 sẽ được sử dụng tiếp vào năm 2023.

Tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Những cơn bão nào gây ra thiệt hại nghiêm trọng sẽ không được tái sử dụng vì những lý do liên quan đến luật pháp và lịch sử. Như cái tên “Katrina” sẽ không bao giờ được sử dụng nữa vì những tàn phá mà cơn bão Katrina gây ra ở New Orleans năm 2005. 

Vậy khi nào thì một cơn bão bắt đầu được đặt tên? Khi cơn bão bắt đầu xuất hiện vòng xoáy và có vận tốc gió đạt 39 dặm một giờ.

Hiện này, có tới 6 danh sách khác nhau được WMO sử dụng để đặt tên các cơn bão. Mỗi danh sách gồm 21 tên (nhưng tên có các chữ cái Q, U, X, Y, Z không được sử dụng!). Chúng sẽ được sử dụng xoay vòng với chu kỳ 6 năm.

Như vậy mỗi năm sẽ có một danh sách gồm 21 tên và năm sau lại một danh sách 21 tên khác, nhưng nếu một năm có nhiều hơn 21 cơn bão (ví dụ năm 2005).

Khi đó, tên của những cơn bão từ 21 trở đi sẽ có tên theo bảng chữ cái Hy Lạp. Một trường hợp đặc biệt khác là khi các cơn bão "vượt biên" từ đại dương này qua đại dương khác, hoặc biến đổi thành áp thấp nhiệt đới rồi phát triển lại thành bão. Lúc đó tên của chúng cũng sẽ bị thay đổi!

Riêng ở tây bắc Thái Bình Dương, bão lại được đặt tên theo động vật hay hoa lá. 

Ở vùng Tây Thái Bình Dương (gồm 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…) mỗi nước sẽ được đăng ký 10 cái tên (như vậy có tổng cộng 140 tên bão) và tên gọi sẽ được xoay vòng trong 5 danh sách. Sau đó sẽ được Trung tâm Bão nhiệt đới Tokyo thuộc cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.

Ngoài ra ở Việt Nam, khi bão vào biển Đông thì sẽ đánh số thứ tự trong một năm do Nhà nước quy định (và vẫn có tên quốc tế như khi Việt Nam đăng ký tên). Ví dụ: Bão số 8 là tên gọi của bão Sơn Tinh (tên quốc tế do Việt Nam đăng ký) hay bão Damrey (VN gọi là bão số 7).

Tại sao trẻ mới sinh ra đã có thể bơi lặn

 Nếu như người lớn nếu không học bơi nghiêm túc sẽ không thể tự xoay xở trong môi trường nước thì những em bé sơ sinh hoàn toàn có thể. Vậy, chẳng lẽ các bé sinh ra đã biết bơi?

Theo các nhà khoa học, việc bơi ấy là một phản xạ của trẻ khi được ngâm mình dưới nước, những động tác bơi làm bạn có cảm giác rằng các bé đã biết bơi từ trước, nhưng thực ra không phải vậy. Khi chìm toàn bộ cơ thể dưới nước như vậy, theo phản xạ sinh tồn, nhịp tim và nhịp thở các bé sẽ chậm lại, có tên phản xạ nhịp tim chậm – bradycardic response, tác dụng đúng như tên gọi của nó.

Trẻ mới sinh ra đã có thể 'bơi lặn' và không bị sặc nước

Không phải tất cả, chỉ đa số các bé có phản xạ nhịn thở trong một khoảng thời gian ngắn khi được ngâm mình trong nước, mục đích là để bảo vệ khí quản của mình. Các bé thường được đi học bơi từ khá sớm để giảm tỉ lệ đuối nước khi lớn lên, tuy nhiên phương pháp này không thực sự ... đáng tin. Cần phải chú ý rằng cơ bắp của các bé vẫn rất yếu, chưa thể sử dụng để thực hiện những hoạt động mạnh như bơi lội.

Đa số các bé sẽ có phản xạ nhịn thở, bơi và lặn này cho tới khi đạt sáu tháng tuổi. Phản xạ này gồm một số yếu tố như việc ngừng thở - không ý thức được rằng mình cần thở để sống sót, nhịp tim chậm lại để sử dụng ít oxy hơn và việc lưu thông máu sẽ chậm lại, chủ yếu là ở những khu vực như ngón tay và ngón chân.

Cụ thể, nhịp tim của bé có thể giảm xuống khoảng 20%, thanh môn của bé sẽ đóng chặt lại, nước đi vào đường hô hấp trên sẽ được chuyển xuống thực quản và đi vào dạ dày. Phản xạ bơi lặn này được gia cố thêm bằng khả năng tiết kiệm oxy trong các hoạt động của cơ thể. Oxy tiết kiệm được chuyển về phổi và tim.

Có thể coi khả năng nhịn thở, bơi lặn này của các bé là cơ chế phòng vệ của cơ thể. Tuy nhiên, khả năng này mất dần đi theo năm tháng, khi mà bộ não dần dần kiểm soát hầu như tất cả các phản ứng của con người. 

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Khoa học giải thích về mưa đá

 Khoa học giải thích, mưa đá xảy ra do sự bất ổn định trong không khí giữa luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau. Sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất.

 Khoa học giải thích về mưa đá và cách nhận biết sắp xảy ra mưa đá. 

Sách "Những bí ẩn quanh ta" giải thích cặn kẽ hơn về hiện tượng mưa đá: Khi các đám mây gần mặt đất được các luồng không khí bốc lên cao thì phần trên của mây thường ở nhiệt độ dưới -20 độ C, khiến cho rất nhiều hơi nước trong mây biến thành những hạt băng nhỏ. Nhưng tầng mây ở dưới thấp hơn, do nhiều nguyên nhân không thể ngưng kết thành băng, lại biến thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C. Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao sẽ đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh này lên tầng trên của đám mây. Ngay sau đó, chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống.

Khi rơi xuống tầng mây thấp, mặt ngoài của băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời lại bị các luồng nước khi mạnh, khi yếu đang không ngừng bốc lên cao tác động vào. Càng bị các luồng khí tác động lâu thì lớp "áo nước" của băng thể càng va chạm liên tục, dẫn đến dính chặt lẫn nhau, khiến thể tích của băng thể càng lớn hơn. Đến lúc này, các luồng khí không còn có thể "tung hứng" các băng thể được nữa, đành để chúng rơi xuống mặt đất, gây ra những trận mưa đá.

Tuy nhiên, không phải cứ bầu trời càng nhiều nước thì hạt mưa đá càng to. Các nhà nghiên cứu cho biết sức mạnh của các dòng không khí chuyển động lên phía trên trong cơn bão mới là yếu tố quyết định kích cỡ của chúng. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút và cũng có thể kéo dài từ 20 - 30 phút.

Về những dấu hiệu nhận biết trời sắp xảy ra mưa đá. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mưa đá là các hạt băng (nước đá) trong suốt, hình thành trong các đám mây đối lưu (các đám mây dông mạnh). Do vậy, nhận biết dấu hiệu sắp có mưa đá cũng gần giống như nhận biết các trận mưa rào mạnh trong các ổ mây dông mạnh.

Khi bạn đang ở một nơi nào đó, không có thông tin hoặc không nghe được thông tin dự báo có mưa dông (có thể có cả mưa đá), bạn có thể tự phòng tránh như sau: Nếu thấy trời nổi dông, gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông, gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra. Tất nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu chỉ ra khả năng sắp có mưa đá. Thực tế rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá.

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Tại sao sữa có màu trắng?



Tại sao sữa có màu trắng?

Sữa được làm từ khoảng 87% nước và 13% chất rắn, như chất béo và protein. Đứng đầu trong số các protein này là casein, bốn loại protein casein này chiếm đến khoảng 80% protein trong sữa. Các phân tử protein casein thường trôi lơ lửng trong sữa và có dạng hình cầu, khoảng một micromet. Lý do chúng thường trôi lơ lửng trong chất lỏng là vì các phân tử kappa-casein có điện tích âm, nên chúng đẩy nhau.

Các vật màu trắng trong tự nhiên xuất hiện như vậy khi có một sự khuếch tán ánh sáng xảy ra và không có chút quang phổ rõ rệt nào phản chiếu lên các đối tượng này hơn bất kỳ phần nào khác của vùng phổ sáng. Vì vậy, các protein casein và một số các chất béo trong sữa phân tán và làm chệch hướng ánh sáng thông qua quang phổ thị giác. Kết quả là chúng ta nhìn thấy sữa có màu trắng. Nếu không có các chất béo, các casein có xu hướng phân tán bước sóng màu xanh nhẹ hơn màu đỏ. Vì vậy, với loại sữa tách kem (không có chất béo), bạn sẽ thấy một chút ánh màu xanh.


Ngoài ra, sữa cũng chứa riboflavin, chất có thể mang lại cho sữa một chút màu xanh lá cây, nếu nồng độ đủ lớn, chẳng hạn như trong trong một số loại sữa tách kem hoặc nước sữa.

Một màu sắc khác nữa mà đôi khi bạn sẽ thấy trong sữa là màu vàng nhạt. Khi bạn nhìn thấy màu này, đó là do một lượng nhỏ carotene có mặt trong sữa.

Sau đây là một số thực tế khác giải thích cho việc sữa có màu trắng và một số thông tin hữu ích liên quan đến sữa:

Sự phân tán màu xanh chứ không phải màu đỏ này là kết quả của hiệu ứng phân tán ánh sáng Tyndall và cũng là lý do đôi khi chúng ta thấy khói từ xe hơi hoặc xe gắn máy xả ra có màu hơi xanh khi một số loại dầu động cơ bị đốt cháy.

Cho đến khi có kết luận của Newton về ánh sáng, hầu hết mọi người đều cho rằng màu trắng là một màu cơ bản của ánh sáng và bạn sẽ nhìn thấy các màu sắc khác khi thêm một cái gì đó vào màu trắng. Newton đã chứng minh điều này là sai lầm bằng cách cho thấy ánh sáng trắng chỉ đơn giản là hiệu ứng của việc kết hợp tất cả các màu trong quang phổ mà mắt thường có thể nhìn thấy.


Cốc sữa hơi có màu xanh

Sơn màu trắng thường được tạo ra bằng cách cung cấp một loại vật liệu trong suốt với một chỉ số khúc xạ cao, và chúng trôi lơ lửng trong một số loại kết dính. Vật chất điển hình được sử dụng là canxi carbonat hoặc một dạng rutil tổng hợp.

Sữa mẹ tiết ra khi vừa sinh con, còn gọi là sữa non, cho em bé bú sẽ rất tốt vì sữa non mang kháng thể từ mẹ sang con, trong đó tăng cường đáng kể hệ miễn dịch của bé.

Khoảng 40% lượng calo trong sữa bò đến từ lactose. Lactose là một hỗn hợp của glucose và galactose. Hiện tượng cơ thể không dung nạp lactose là do thiếu các enzyme lactase trong ruột non. Khi em bé được sinh ra, mức độ lactase sẽ giảm dần dần nếu em bé không được cho bú sữa thường xuyên. Bởi vì khi lactose đi qua ruột non, nó sẽ gắn liền với lactase và sau đó, galactose và glucose từ lactose có thể được hấp thụ.

Nếu không có lactase, điều này không thể xảy ra, đồng thời cơ thể không có lactase cũng có thể gây ra tiêu chảy, đầy khí đường ruột, đau bụng, vv... Khí trong ruột non khi lactose không tiêu hóa được là do các vi thực vật trong ruột xử lý lactose và bài ​​tiết khí thông qua hô hấp kỵ khí.

Theo một phát hiện, con người đã sử dụng nguồn sữa động vật từ ít nhất 6.500 năm trước Công nguyên. Trước đó, người ta nghĩ rằng hệ tiêu hoá của con người thời đó vẫn chưa phát triển khả năng xử lý nguồn sữa không phải từ con người.

Quá trình thanh trùng sữa có thể tiêu diệt các vi sinh vật trong sữa, đồng thời phá hủy Vitamin C, cũng như làm giảm đáng kể lợi ích sức khỏe khác của sữa.



Một quá trình xử lý mới đã được phát triển và chứng minh là vượt trội so với việc thanh trùng sữa. Đó là quá trình lọc tinh. Đầu tiên, kem được tách ra từ sữa, vì kem không thể được lọc đúng cách nếu để nguyên trong sữa. Tiếp theo, sữa phải đi qua các ống lọc tinh, lọc đến 99,9% tất cả các vi sinh vật. Quá trình này tốt hơn khoảng 5% so với quá trình thanh trùng sữa thông thường; việc lọc tốt hơn cũng giúp kéo dài đáng kể thời hạn sử dụng của sữa. Tiếp theo, kem được tiệt trùng theo cách thông thường và sau đó kết hợp lại với sữa để tạo thành sữa có thành phần kem và sữa như trước khi vi lọc.

Lý do sữa thô nhanh chóng hỏng khi bỏ ra ngoài là vì lactose trong sữa không được xử lý bằng vi sinh vật thành acid lactic. Tùy thuộc vào quá trình xử lý của các vi sinh vật, điều này có thể sản xuất ra các sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như các loại pho mát, sữa chua, vv...

Sữa thanh trùng thường phá hủy nhiều loại vi khuẩn sản sinh ra axit lactic. Kết quả là, sữa không thể lên men đúng cách, cho phép các loại vi sinh vật phát triển mạnh. Điều này có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Điều này thường không xảy ra trong sữa thô vì quá trình lên men của các axit lactic sản sinh ra vi khuẩn làm giảm đáng kể các vi sinh vật "xấu".

Sữa được tiệt trùng sử dụng phương pháp xử lý ở nhiệt độ cực cao có thể được lưu trữ trong vài tháng mà không cần để lạnh, miễn là nó vẫn chưa mở. Điều này cũng làm thay đổi mùi vị của sữa một chút, đó là lý do tại sao việc thanh trùng sữa không được ưa thích.

Cấu trúc phân tử casein tương tự như của gluten. Đây là lý do tại sao chế độ ăn kiêng không chứa chất gluten cũng có nghĩa là không chứa casein.

Vì sao khủng long to lớn như vậy?

 Vì sao khủng long to lớn như vậy?

Một mô hình mới có thể giúp giải thích làm thế nào một số khủng long, ví dụ như khủng long cổ dài sauropods, có thể đạt đến khối lượng khoảng 60 tấn – gấp khoảng 8 lần khối lượng của một con voi châu Phi, loài vật lớn nhất trên cạn ngày nay. 

Hai yếu tố chính quyết định kích thước xương sống là lượng thức ăn và việc sử dụng năng lượng của con vật, nhà nghiên cứu Brian K. McNab, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Florida, cho biết. Ví dụ, voi có thể phát triển đến kích thước khá lớn vì chúng ăn cỏ, một loại thức ăn khá phong phú. 

Việc tiêu thụ năng lượng phụ thuộc một phần vào việc làm thế nào loài vật kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Động vật có vú và chim, là những loài máu nóng, phải sử dụng năng lượng để giữ cho nhiệt độ bên trong cơ thể ổn định, và do đó chúng có tỷ lệ trao đổi chất cao. Tuy nhiên, những loài vật máu lạnh ví dụ như loài bò sát, thì nhiệt độ cơ thể lại phụ thuộc vào môi trường, do đó nhiệt độ bên trong dao động tùy theo điều kiện xung quanh. 

Loài vật máu nóng phải ăn nhiều hơn so với loài máu lạnh để giữ ấm cho cơ thể. 

Khủng long là loài máu nóng hay máu lạnh là một vấn đề được tranh cãi rất nhiều trong giới cổ sinh vật học. McNab đã tìm cách trả lời câu hỏi này qua việc nguồn thức ăn sẵn có cho khủng long, và ông đã gộp yếu tố này vào mô hình mô tả mối liên hệ giữa kích thước xương sống, tiêu thụ năng lượng và nguồn thức ăn. 

Nếu nguồn thức ăn ở kỷ Đại trung sinh – thời kỳ khủng long sinh sống – dồi dào hơn ngày nay, rất có thể khủng long là loài máu nóng, kể cả chúng phải ăn nhiều để ổn định nhiệt độ cơ thể. Loài cá voi xanh, sinh vật lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất, là loài máu nóng. Chúng cung cấp năng lượng cho cơ thể nặng 160 tấn của mình bằng nguồn thức ăn dồi dào trong môi trường biển. 

Minh họa một khủng long sauropods. Sauropods được cho là loài khủng long lớn nhất
đồng thời là loài vật lớn nhất từng sống trên cạn.

Tuy nhiên, McNab tin rằng đây không phải là trường hợp của khủng long. 

Ông phát biểu trên LiveScience: “Tôi nghĩ rằng khủng long không thể có tốc độ trao đổi chất nhanh như động vật có vú hay chim, đơn giản vì nguồn thức ăn không dồi dào đến thế”. 

Ví dụ, không hề có cỏ ở kỷ Đại Trung Sinh, nguồn thức ăn chủ yếu cho động vật ăn thực vật, McNab cho biết. 

“Làm thế nào khủng long có thể phát triển lớn hơn động vật có vú nếu nguồn thức ăn vào thời điểm đó tương đương hoặc thậm chí nghèo nàn hơn so với ngày nay? Tôi cho rằng khủng long đã sử dụng hầu hết năng lượng thu được để tăng trưởng chứ không phải để duy trì nhiệt độ cơ thể”. 

Vậy khủng long là loài máu lạnh? Không hoàn toàn chính xác, McNab tranh luận. Ông cho rằng khủng long nằm đâu đó giữa động vật máu nóng và máu lạnh. Chúng không có tốc độ trao đổi chất nhanh, nhưng nhiệt độ bên trong không dao động giống như loài vật máu lạnh. Thay vào đó, kích thước khổng lồ của chúng chính là yếu tố giúp ổn định nhiệt độ cơ thể. 

McNab cho biết: “Khi bạn to lớn như vậy, thân nhiệt không hạ nhanh như một con thằn lằn nhỏ. Khủng long có khối lượng cơ thể lớn, nhưng bề mặt lại khá nhỏ. Vì vậy có thể chúng ấm, thì nhiệt độ bên trong không thay đổi trừ khi điều gì đó bất ngờ xảy ra”. 

Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences ngày 6 tháng 7.

Giải mã bí ẩn việc chó dại cắn người xong lăn ra chết

 Tại sao sau khi chó dại cắn người thì con chó chảy nước bọt, lờ đờ rồi chết.

Bệnh dại là bệnh do virus dại (rabies virus) gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong chắc chắn. Bệnh dại là một trong những bệnh nhiễm được ghi nhận từ thời cổ xưa, mô tả từ cách đây hơn 3000 năm và là một bệnh truyền nhiễm đáng sợ.

Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú. Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, thường gặp nhất là ở loài chó.

Chó dại là gì ? Chó dại là những con chó bị mắc bệnh dại có các triệu chứng phát bệnh dại và thường tấn công con người, vi rút dại sẽ lan truyền từ nước bọt của chó qua máu vào cơ thể người nếu không chích vacxin thì người bị cắn cũng bị dại và chết.

Hiện tại khi người bị chó dại cắn phát bệnh dại rồi thì không thể chữa được cho nên để cẩn thận cần phải tiêm vacxin ngay sau khi bị chó cắn hoặc theo dõi xem con chó đó có dấu hiệu bị dại không, nếu chó không bị dại thì không sao, trường hợp không thể theo dõi được thì cần phải tiêm vacxin để đảm bảo an toàn.

Giải mã bí ẩn việc chó dại cắn người xong lăn ra chết. 

Trả lời câu hỏi về tại sao chó dại cắn người xong nó lại lăn ra chết. Một số nhà khoa học cho rằng virus có trong nước bọt của chó bị bệnh dại 03 ngày trước khi con vật có biểu hiện các biểu hiện của bệnh. Một số người khác cho rằng 7 ngày hoặc tới 13 ngày. Tuy nhiên đại đa số cho rằng thời gian này là 10 ngày.

Thời điểm con chó bị dại tấn công (cắn) người là nó đã mang virus dại (rabies virus) nhưng chưa có biểu hiện bệnh ra ngoài. Ở thời điểm này, con chó đã thay đổi tính tình, hay bị kích động, cắn xé hoảng loạn dẫn đến việc cắn người. Sau khi cắn người một thời gian thì con chó vào giai đoạn phát bệnh và chết.

Chó dại cắn người sẽ sống không quá 10 ngày, thường là 5-7 ngày sau khi cắn người thì những triệu chứng dại của chó sẽ xuất hiện sau đó nó bị bệnh nặng, bại liệt rồi chết. Sau khi chó cắn người, nếu sau 15 ngày mà chó vẫn khỏe mạnh thì yên tâm là chó không bị dại.