Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Khoa học giải thích về mưa đá

 Khoa học giải thích, mưa đá xảy ra do sự bất ổn định trong không khí giữa luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau. Sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất.

 Khoa học giải thích về mưa đá và cách nhận biết sắp xảy ra mưa đá. 

Sách "Những bí ẩn quanh ta" giải thích cặn kẽ hơn về hiện tượng mưa đá: Khi các đám mây gần mặt đất được các luồng không khí bốc lên cao thì phần trên của mây thường ở nhiệt độ dưới -20 độ C, khiến cho rất nhiều hơi nước trong mây biến thành những hạt băng nhỏ. Nhưng tầng mây ở dưới thấp hơn, do nhiều nguyên nhân không thể ngưng kết thành băng, lại biến thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C. Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao sẽ đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh này lên tầng trên của đám mây. Ngay sau đó, chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống.

Khi rơi xuống tầng mây thấp, mặt ngoài của băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời lại bị các luồng nước khi mạnh, khi yếu đang không ngừng bốc lên cao tác động vào. Càng bị các luồng khí tác động lâu thì lớp "áo nước" của băng thể càng va chạm liên tục, dẫn đến dính chặt lẫn nhau, khiến thể tích của băng thể càng lớn hơn. Đến lúc này, các luồng khí không còn có thể "tung hứng" các băng thể được nữa, đành để chúng rơi xuống mặt đất, gây ra những trận mưa đá.

Tuy nhiên, không phải cứ bầu trời càng nhiều nước thì hạt mưa đá càng to. Các nhà nghiên cứu cho biết sức mạnh của các dòng không khí chuyển động lên phía trên trong cơn bão mới là yếu tố quyết định kích cỡ của chúng. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút và cũng có thể kéo dài từ 20 - 30 phút.

Về những dấu hiệu nhận biết trời sắp xảy ra mưa đá. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mưa đá là các hạt băng (nước đá) trong suốt, hình thành trong các đám mây đối lưu (các đám mây dông mạnh). Do vậy, nhận biết dấu hiệu sắp có mưa đá cũng gần giống như nhận biết các trận mưa rào mạnh trong các ổ mây dông mạnh.

Khi bạn đang ở một nơi nào đó, không có thông tin hoặc không nghe được thông tin dự báo có mưa dông (có thể có cả mưa đá), bạn có thể tự phòng tránh như sau: Nếu thấy trời nổi dông, gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông, gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra. Tất nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu chỉ ra khả năng sắp có mưa đá. Thực tế rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét