Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Tại sao con lật đật không bao giờ bị đổ

 Theo khoa học, muốn cho một vật ổn định, không đổ thì cần phải thỏa mãn hai điều kiện là diện tích đáy của vật đó phải lớn, trọng lượng phải tập trung ở phần đáy. Trọng tâm của vật phải thấp. Đối với bất cứ vật thể nào, nếu diện tích đáy của nó càng lớn, trọng tâm càng thấp, thì nó càng vững vàng, ổn định và không dễ bị đổ.

Lật đật không bao giờ bị đổ

Con lật đật sở dĩ không đổ là vì toàn bộ thân hình con lật đật đều rất nhẹ chỉ có phần đáy của nó có một vật tương đối nặng - một miếng chì hoặc miếng thép. Vì thế, trọng tâm của nó rất thấp. Mặt khác diện tích đáy của con lật đật vừa to lại vừa tròn nhẵn dễ dao động. Độ nghiêng của con lật đật càng lớn, khoảng cách mà điểm tựa cách xa trọng tâm càng lớn, thế năng dao động do trọng lượng sinh ra sẽ theo đó mà tăng lên khiến xu thế khôi phục lại vị trí cũ của nó cũng càng rõ rệt, vì vậy không bao giờ đẩy ngã được con lật đật.

Giống như con lật đật, những vật thể tĩnh sau khi chịu sự tác động nhỏ có thể tự khôi phục trạng thái cân bằng của vị trí ban đầu, trong vật lý học gọi là cân bằng ổn định. Còn các vật thể hình cầu như quả bóng bàn, quả bóng đá, hay bóng chuyền, sau khi chịu ngoại lực, chúng có thể duy trì sự thăng bằng ở bất kỳ vị trí nào. Trạng thái này gọi là thăng bằng ở mọi vị trí.

Những vật thể có thể thăng bằng ở mọi ví trí có trọng tâm và điểm tựa ở trên cùng một đường thẳng, độ cao của trọng tâm không bao giờ thay đổi, chiếc bút được đặt nằm ngang trên bàn chính là một loại thăng bằng ở mọi vị trí, dù nó có lăn đi đâu thì độ cao trọng tâm cũng không bao giờ thay đổi.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Tại sao mọi cơn bão đều có tên và ai là người đặt tên cho bão?

 Ngày nay, mỗi cơn bão đều có tên riêng, và ai cũng thấy rằng việc đặt tên cho các cơn bão giúp chúng ta có thể thảo luận và phân biệt các cơn bão khác nhau một cách dễ dàng. Tuy nhiên, các nhà khí tượng học đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để giúp các cơn bão có “quyền lợi” được đặt tên riêng như bây giờ.

Trước kia, bão được đặt tên theo đường kinh-vĩ tuyến mà chúng đi quá. Cách đặt tên này đối với các nhà khí tượng thì không có vấn đề gì, nhưng đối với người dân thì lại rất khó nhớ.

Năm 1950, Cơ quan Khí tượng Hoa Kỳ đã phát triển một hệ thống đặt tên bão theo bảng chữ cái (như Able, Baker, Charlie…). Hệ thống này được sử dụng lặp đi lặp lại mỗi năm. Cơn bão đầu tiên trong năm luôn có tên là “Able”, cơn bão thứ hai trong năm luôn có tên là “Baker”, cứ như vậy.

Đến năm 1953, nhận thấy phương pháp đặt tên kiểu này có nhiều bất cập vì đã có nhiều cơn bão mang tên giống nhau, hệ thống này được thay đổi và các cơn bão sẽ được đặt theo tên phụ nữ. Cách làm này bắt chước các nhà khí tượng hàng hải, có thói quen đặt tên các con tàu theo tên phụ nữ.

Năm 1979, hệ thống này lại thay đổi lần nữa, các cơn bão được theo tên của cả phụ nữ và đàn ông.

Khi cơn bão bắt đầu xuất hiện vòng xoáy và có vận tốc gió đạt 39 dặm một giờ thì sẽ được đặt tên. 

Mỗi đại dương lớn trên thế giới sẽ có các danh sách tên bão cho riêng mình. Hiện nay, Đại Tây Dương có 6 danh sách tên bão và sẽ được quay vòng. Nghĩa là danh sách tên bão được sử dụng trong năm 2017 sẽ được sử dụng tiếp vào năm 2023.

Tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Những cơn bão nào gây ra thiệt hại nghiêm trọng sẽ không được tái sử dụng vì những lý do liên quan đến luật pháp và lịch sử. Như cái tên “Katrina” sẽ không bao giờ được sử dụng nữa vì những tàn phá mà cơn bão Katrina gây ra ở New Orleans năm 2005. 

Vậy khi nào thì một cơn bão bắt đầu được đặt tên? Khi cơn bão bắt đầu xuất hiện vòng xoáy và có vận tốc gió đạt 39 dặm một giờ.

Hiện này, có tới 6 danh sách khác nhau được WMO sử dụng để đặt tên các cơn bão. Mỗi danh sách gồm 21 tên (nhưng tên có các chữ cái Q, U, X, Y, Z không được sử dụng!). Chúng sẽ được sử dụng xoay vòng với chu kỳ 6 năm.

Như vậy mỗi năm sẽ có một danh sách gồm 21 tên và năm sau lại một danh sách 21 tên khác, nhưng nếu một năm có nhiều hơn 21 cơn bão (ví dụ năm 2005).

Khi đó, tên của những cơn bão từ 21 trở đi sẽ có tên theo bảng chữ cái Hy Lạp. Một trường hợp đặc biệt khác là khi các cơn bão "vượt biên" từ đại dương này qua đại dương khác, hoặc biến đổi thành áp thấp nhiệt đới rồi phát triển lại thành bão. Lúc đó tên của chúng cũng sẽ bị thay đổi!

Riêng ở tây bắc Thái Bình Dương, bão lại được đặt tên theo động vật hay hoa lá. 

Ở vùng Tây Thái Bình Dương (gồm 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…) mỗi nước sẽ được đăng ký 10 cái tên (như vậy có tổng cộng 140 tên bão) và tên gọi sẽ được xoay vòng trong 5 danh sách. Sau đó sẽ được Trung tâm Bão nhiệt đới Tokyo thuộc cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.

Ngoài ra ở Việt Nam, khi bão vào biển Đông thì sẽ đánh số thứ tự trong một năm do Nhà nước quy định (và vẫn có tên quốc tế như khi Việt Nam đăng ký tên). Ví dụ: Bão số 8 là tên gọi của bão Sơn Tinh (tên quốc tế do Việt Nam đăng ký) hay bão Damrey (VN gọi là bão số 7).

Tại sao trẻ mới sinh ra đã có thể bơi lặn

 Nếu như người lớn nếu không học bơi nghiêm túc sẽ không thể tự xoay xở trong môi trường nước thì những em bé sơ sinh hoàn toàn có thể. Vậy, chẳng lẽ các bé sinh ra đã biết bơi?

Theo các nhà khoa học, việc bơi ấy là một phản xạ của trẻ khi được ngâm mình dưới nước, những động tác bơi làm bạn có cảm giác rằng các bé đã biết bơi từ trước, nhưng thực ra không phải vậy. Khi chìm toàn bộ cơ thể dưới nước như vậy, theo phản xạ sinh tồn, nhịp tim và nhịp thở các bé sẽ chậm lại, có tên phản xạ nhịp tim chậm – bradycardic response, tác dụng đúng như tên gọi của nó.

Trẻ mới sinh ra đã có thể 'bơi lặn' và không bị sặc nước

Không phải tất cả, chỉ đa số các bé có phản xạ nhịn thở trong một khoảng thời gian ngắn khi được ngâm mình trong nước, mục đích là để bảo vệ khí quản của mình. Các bé thường được đi học bơi từ khá sớm để giảm tỉ lệ đuối nước khi lớn lên, tuy nhiên phương pháp này không thực sự ... đáng tin. Cần phải chú ý rằng cơ bắp của các bé vẫn rất yếu, chưa thể sử dụng để thực hiện những hoạt động mạnh như bơi lội.

Đa số các bé sẽ có phản xạ nhịn thở, bơi và lặn này cho tới khi đạt sáu tháng tuổi. Phản xạ này gồm một số yếu tố như việc ngừng thở - không ý thức được rằng mình cần thở để sống sót, nhịp tim chậm lại để sử dụng ít oxy hơn và việc lưu thông máu sẽ chậm lại, chủ yếu là ở những khu vực như ngón tay và ngón chân.

Cụ thể, nhịp tim của bé có thể giảm xuống khoảng 20%, thanh môn của bé sẽ đóng chặt lại, nước đi vào đường hô hấp trên sẽ được chuyển xuống thực quản và đi vào dạ dày. Phản xạ bơi lặn này được gia cố thêm bằng khả năng tiết kiệm oxy trong các hoạt động của cơ thể. Oxy tiết kiệm được chuyển về phổi và tim.

Có thể coi khả năng nhịn thở, bơi lặn này của các bé là cơ chế phòng vệ của cơ thể. Tuy nhiên, khả năng này mất dần đi theo năm tháng, khi mà bộ não dần dần kiểm soát hầu như tất cả các phản ứng của con người.