Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Vì sao chúng ta không cảm nhận thấy trái đất đang chuyển động?


 Chúng ta đều biết chúng ta đang được sống trên một trái đất mà quanh tròn xung quanh mặt trời và hơn nữa chúng còn tự chuyển động xung quanh quỹ đạo của mình.
Tất cả hết thảy mọi thứ có trên trái đất đều quay với tốc độ quay là 1.657km/h khi đứng ở xích đạo. Vậy nên nếu bạn đang đứng tại xích đạo thì bạn đang di chuyển với tốc đọ là 465 m/s và nghiêng cùng trái đất 1 góc là 23, 4 độ.
Nhưng tại sao, tôi, bạn hay những người khác không ai có thể cảm nhận được góc nghiêng, tốc độ quay của trái đất?
Chúng ta chỉ thấy chúng ta đang đứng yên tại một chỗ và các thiên thể cùng mặt trời, mặt trăng, các vì sao cứ sau mỗi 23h 56’ lại xuất hiện rồi mất đi trên bầu trời?
Như các bạn đã biết, chúng ta có 5 giác quan để cảm nhận mọi vật xung quanh mình. Đó là xúc giác, thính giác, khứu giác, vị giác và thị giác.
Hầu hết mọi thứ về cuộc sống bao gồm cả sự chuyển động đều được những giác quan này ghi nhận rồi thông báo về cho cơ quan chỉ huy não bộ.
Bạn có thể cảm nhận những cơn gió nhẹ lướt qua cơ thể bạn hay cảm nhận cây cối đang chuyển động khi bạn chuyển động, hay những chiếc lá bị gió cuốn tung lên trời?
Vậy tại sao với 5 giác quan này, bạn không thể cảm nhận được trái đất của chúng ta đang hàng ngày quay trong đều, mỗi ngày đều nghiêng một góc là 23,4 độ.
Nếu bạn đã từng đi máy bay, chắc bạn cũng có thể nhận thấy khi bạn tháo dây an toàn và đi lại trên máy bay và hoàn toàn không nhận ra rằng máy bay đang chuyển động.
Nguyên nhân rất đơn giản: Bạn, chiếc máy bay và tất cả mọi thứ bên trong chiếc máy bay đang di chuyển cùng một tốc độ.
Đó chính là điều mà chúng ta cần tìm hiểu. tất cả các giác quan của chúng ta đang bị đánh lừa “ một cách ngoạn mục” bởi vì chính chúng ta cũng đang bị cuốn đi với cùng tốc độ.
Trái đất của chúng ta mất một khoảng thời gian là 23h56’ để quay một vòng nhưng bạn chỉ cảm tưởng là một ngày đã trôi qua mà thôi.
Chỉ khi đứng trên một trạm vũ trụ ngoài không gian, một hành tinh khác bạn mới có thể thấy được trái đất của chúng ta mỗi ngày trải qua là như thế nào?
Trái đất của chúng ta đã quay hàng tỉ năm xung quanh mặt trời và mỗi ngày nó chậm đi 2 phần nghìn giây do lực ma sát và tác động của Mặt Trăng.
Tuy nhiên, độ giảm tốc này là quá nhỏ để chúng ta có thể nhận ra được sự thay đổi đó nên mỗi ngày chúng ta đều cảm thấy tốc độ của trái đất là không đổi.
Lý do tại sao trái đất chúng ta lại quay? Đó là vì trái đất của chúng ta khi được sinh ra trong hệ mặt trời, nó đã tự động quay theo lực quán tính và cần một lực để cản nó dừng lại.
Chúng ta không bao giờ cảm giác được trái đất chuyển động vì chính chúng ta đang chuyển động trên bề mặt của trái đất. Và nếu bạn muốn ngắm nhìn trái đất chuyển động thì hãy đặt một điểm nhìn ngoài không gian nhé!



Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Người ta chế tạo trực thăng như thế nào?

Trên thế giới, máy bay trực thăng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực: vận tải hành khách, hàng hóa, quân sự, nông nghiệp…
Máy bay trực thăng được phân loại dựa trên hoạt động của cánh quạt. Nó rất tiện lợi bởi có thể cất cánh và hạ cánh theo đường thẳng đứng trong không gian hạn chế. Tuy nhiên, vì thế mà khả năng vận tải của nó không thể so sánh với các loại máy bay cánh cố định khác.
Máy bay trực thăng vận tải thuộc vào lớn nhất thế giới Mi-26T của Liên Xô tại triển lãm hàng không Zhukovsky. Ảnh: Wikipedia.
Hiện nay, máy bay trực thăng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, chủ yếu phục vụ cho việc vận tải trọng lượng nhẹ như: phun thuốc trừ sâu cho một khu vực nông nghiệp rộng lớn; thâm nhập các vùng sâu, vùng xa không có đường bay và sân bay lớn; cứu hộ những người mắc kẹt ở các khu vực hiểm trở và khó khăn; cung cấp hàng hóa cho các giàn khoan dầu ngoài khơi biển xa; chụp hình và quay phim trên cao cũng như trong các lĩnh vực quân sự…
Máy bay trực thăng Osprey V-22 của Hải quân Hoa Kỳ loại cánh quạt xoay hướng. Ảnh: Wikipedia.
Mô hình máy bay trực thăng đầu tiên được bay lên trời do 2 anh em người Pháp Louis và Jacque Breuguet chế tạo, dưới sự cố vấn kỹ thuật của giáo sư Charles Richet.
Sau này, kỹ sư người Nga Igor Sikorsky trở thành nhà tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất trực thăng và đưa chiếc máy bay trực thăng đầu tiên hoạt động ổn định vào năm 1939.

Ka-52 là trực thăng hai cánh quạt nâng đồng trục của Không quân Nga. Ảnh: Wikipedia.
Công nghệ hiện đại giúp cho việc sản xuất máy bay trực thăng trở nên dễ dàng và đa dạng hơn. Tuy nhiên, các công đoạn vẫn phải có những tiêu chuẩn nhất định.
Trước tiên, về thiết kế, các máy bay trực thăng có thể hoạt động được nhờ vào một trong hai loại động cơ chính theo nguyên lý pít tông hoặc tua bin khí. Các động cơ này giúp đỡ cho hệ thống cánh quạt chuyển động.
Máy bay trực thăng Belvedere loại hai cánh quạt nâng không đồng trục.
Máy bay trực thăng có hệ thống cánh quạt gồm từ 2 đến 6 lưỡi gắn vào một trục trung tâm. Chúng thường có chiều dài tương đối và bề ngang nhỏ, chuyển động chậm giúp điều khiển trực thăng dễ dàng hơn. Để giảm thiểu trọng lượng, hiện các loại máy bay trực thăng hạng nhẹ đều chỉ gắn 2 cánh quạt. Vật liệu dùng để sản xuất trực thăng thường được làm từ kim loại hoặc hợp chất composite hoặc kết hợp cả hai.
Hãy cùng xem đoạn phim nói về quá trình sản xuất một chiếc máy bay của kênh truyền hình khoa học Discovery.



Chó muốn nói gì khi vẫy đuôi?

Hành động vẫy đuôi có thể cho biết các biểu hiện cảm xúc khác nhau của loài chó.
Ảnh minh họa
Mọi người  thường cho rằng những chú chó vẫy đuôi để thể hiện sự hài lòng và thân thiện, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

Chó cũng có cách biểu đạt ngôn ngữ riêng của chúng. Chúng dùng đuôi để giao tiếp. Dựa vào vị trí và chuyển động của đuôi chúng ta biết được trạng thái cảm xúc.

Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội chống ngược đãi động vật ở Mỹ, khi một con chó trong tâm trạng thoải mái, cái đuôi của nó sẽ được ở vị trí “tự nhiên”.

Giống chó khác nhau có vị trí tự nhiên khác nhau. Hầu hết, vị trí tự nhiên nhất của chó là rủ xuống gần cổ chân hoặc gần gót. Nhưng đối với giống chó Pug có nguồn gốc từ Trung Quốc, đuôi chúng lúc nào cũng cong lên phía lưng. Với giống chó săn Greyhound, tự nhiên và thoải mái nhất là khi đuôi chúng thả lỏng giữa hai chân.

Khi lo lắng, chó sẽ giữ đuôi thấp hơn vị trí tự nhiên của nó và sẽ giấu đuôi bên dưới cơ thể khi chúng cảm thấy sợ hãi.

Cái đuôi giữ ở vị trí cao hơn so với bình thường chứng tỏ đang có một thứ gì đó hấp dẫn chú. Còn nếu như một khi đuôi dựng đứng chứng tỏ chú chó ấy trong trạng thái sẵn sàng đi gây hấn.

Hành động vẫy đuôi phản ánh sự phấn khích của một con chó, vẫy càng mạnh chứng tỏ càng phấn khích.

Từ năm 2007, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cách chó vẫy đuôi cung cấp thông tin về những gì bản thân nó đang cảm thấy. Cụ thể, vẫy đuôi sang bên phải biểu thị cho cảm xúc tích cực, vẫy đuôi sang trái cho thấy những cảm xúc tiêu cực.

Hiện tượng này cũng dễ hiểu vì bán cầu não trái điều khiển phía bên phải của cơ thể, và ngược lại. Nghiên cứu hành vi nhiều loài động vật khác nhau đã chỉ ra rằng bán cầu não trái có liên quan đến cảm xúc tích cực và bán cầu não phải gắn liền với những cảm xúc tiêu cực.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Live Science, một tờ tin tức khoa học trực tuyến ra đời năm 2004. Live Science chuyên tin tức về đột phá khoa học, các dự án nghiên cứu và sự kiện kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới.



Vì sao chim không có răng?

Theo các nhà khoa học, tổ tiên của tất cả loài chim ngày nay đã từng có răng. Nhưng trong quá trình tiến hóa, răng đã biến mất để phù hợp hơn với hoạt động của chúng.
Ảnh minh họa
Chim là loài động vật có xương sống, cũng giống như một số loài động vật có vú, hay cá voi tấm sừng và rùa đều không có răng. Tuy nhiên, lý do gây ra hiện tượng này ở tất cả trường hợp là không giống nhau. Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tổ tiên của chim có răng trắng như ngọc trai cách đây từ 116 triệu năm.

Mặc dù có những mảnh hóa thạch của các loài chim cổ đại, các nhà khoa học vẫn nghiên cứu gen của những loài hiện đại để xác minh răng của chim thay đổi theo thời gian như thế nào.

Giáo sư sinh học Mark Springer, đại học California công bố rằng các mẫu DNA là một công cụ hiệu quả trong việc mở khóa cánh cửa bí mật về lịch sử tiến hóa răng.

Vào năm 1861, hóa thạch chim thủy tổ ở Đức cho thấy nguồn gốc của chim xuất phát từ một loài bò sát có răng. Chim đã phát triển từ khủng long chân thú, khủng long bạo chúa. Chúng đều là loài động vật có một mồm toàn răng sắc nhọn.
Hóa thạch của chim thủy tổ ở Đức
Những loài chim hiện đại đều không có răng, có mỏ cong và đường tiêu hóa khỏe mạnh giúp chúng nghiền và tiêu hóa thức ăn.

Nhưng chưa một ai biết đích xác điều gì đã xảy ra trong quá trình tiến hóa răng của loài động vật này. Giáo sư Springer nói: “Lịch sử về việc răng của tổ tiên chim biến mất vẫn là điều bí ẩn trong suốt hơn 150 năm qua”.
Để khám phá ra điều này các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu gen ở động vật có xương sống. Họ phát hiện ra rằng răng hình thành từ 6 gen quan trọng quy định men răng và ngà răng.

Họ đã tìm kiếm đột biến dẫn đến việc ngừng hoạt động của 6 gen này trong tất cả 48 loài chim khác nhau. Kết quả là sự đột biến của ngà và men răng được tìm thấy ở một số loài chứng tỏ tổ tiên của chim đã mất khả năng để hình thành răng.

Giáo sư Springer chia sẻ: “Sự hiện diện của một số đột biến men răng dẫn đến việc ngừng hoạt động được thấy ở tất cả 48 loài, xảy ra cách đây khoảng 116 triệu năm”.

Nghiên cứu cũng tìm ra đột biến gen tương tự trong ngà và men răng ở một số loài động vật có xương sống khác. Chúng cũng không có răng và men như rùa, tê tê, lợn đất.

Như vậy, có thể nói tổ tiên chim đã từng có răng nhưng sau đó đã biến mất, có thể cho đó là sự tiến hóa để phù hợp với chế độ ăn đặc biệt. Ở chim hiện nay, mề sau đã thay thế vai trò của bộ răng.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Live Science, một tờ tin tức khoa học trực tuyến ra đời năm 2004. Live Science chuyên tin tức về đột phá khoa học, các dự án nghiên cứu và sự kiện kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới.



Tại sao điệu cười của mỗi người khác nhau?

Cười là phản ứng tự nhiên với sự hài hước, cười là một công cụ xã hội, sử dụng để con người tương tác với nhau và nó cũng mang lại nhiều lợi ích như trẻ lâu, cải thiện bộ nhớ.
Tiếng cười có thể lây nhiễm, nhưng dường mỗi người đều có điệu cười đặc trưng mang bản sắc riêng.
Ảnh minh họa.
Nhưng điều gì khiến tiếng cười của chúng ta có âm thanh khác nhau? Theo giải phẫu học, tiếng cười là một loạt nỗ lực của hệ thống thần kinh vòng viền, thanh quản, phổi, cơ hô hấp và nhiều hơn nữa. Chính tâm lý và hành vi khiến chúng ta cười.
Judi James, chuyên gia hành vi và ngôn ngữ cơ thể cho biết: “Tiếng cười của chúng ta khác nhau và sử dụng trong các mục đích và hoàn cảnh khác nhau. Hầu hết là để tạo mối quan hệ, tỏ ra lịch sự trong giao tiếp và nhiều lúc tiếng cười đóng vai trò là cái mặt nạ”.
James cho một ví dụ nếu bạn đang ở một mình và xem bộ phim hài yêu thích, có thể bạn sẽ bật cười rất to, thoải mái. Ngược lại, khi xem với bạn bè, bạn cũng cười vui vẻ với họ nhưng điệu cười lúc này đã khác, nó mang ý nghĩa giao tiếp nhiều hơn.

Chỉ khi tiếng cười xuất hiện trong điều kiện tự nhiên nhất, chúng ta mới nhận biết được âm thanh của chúng là như thế nào.
Jame phân tích tiếng cười chân thật thường khiến con người bối rối, chúng có âm thanh nghe khá thô vì trong trạng thái thở mạnh và miệng mở quá rộng.
Điều này dẫn tới việc chúng ta học cách chỉnh sửa tiếng cười. Chúng ta chú ý hơn đến răng nhiều hơn, ngại vì sợ bị chê xấu hay cười vô duyên. Tập luyện hàng ngày, tự ý thức về ngoại hình mỗi khi cười, dè dặt hơn mỗi khi cười hay nói chúng là ngôn ngữ cơ thể. Do đó, có thể âm thanh trở nên dễ nghe hơn, chuyên nghiệp hơn.
Nếu nhìn vào ngôn ngữ cơ thể khi cười, bạn có phát hiện ra một vài khía cạnh bên trong như sự ức chế xã hội, hành động thoải mái hay gây hấn.
Cười có tiếng thở khò khè chứng tỏ họ đang phải cố gắng để tự kiểm soát bản thân. Khi cảm thấy không hạnh phúc, tiếng cười phát ra có lẫn sự lo lắng, nhút nhát.
Chúng ta thường nghĩ rằng bản thân chỉ có một tiếng cười. Tuy nhiên, James giải thích mỗi người có nhiều điệu cười và tiếng cũng khác nhau. Khi tiếng cười của ai đó thay đổi, anh ta hoặc cô ta đang đóng vai một người khác.
Jame phát biểu: “Điều này có thể bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh sống thay đổi. Ví dụ, nếu cuộc sống của trở nên khó khăn hơn, con người có xu hướng cố gắng che giấu cảm xúc nội tâm bên tron, tạo ra nụ cười giả dối, có âm thanh hoàn toàn khác”.
Tuy nhiên, phải hiểu rằng mặc dù âm thanh phát ra hoàn toàn khác nhau, nhưng về cơ bản tiếng cười có chung một cách phát âm
Giáo sư Robert Provine, nghiên cứu về tâm lý học và thần kinh học, Đại học Maryland nói: “ Mặc dù tiếng cười có thể độc đáo, đa dạng như ngôn ngữ, nó không bất biến”.
Ảnh minh họa
Ông cho biết thêm: “Hầu hết mọi người cười với âm thanh ngắn, điều hòa luồng hơi đi ra. Mỗi tiếng “ha” phát ra chỉ mất khoảng một phần mười lăm giây, lặp đi lặp lại một phần năm giây mỗi lần. Khó có thể cười theo cách nào khác. Hãy thử xem”.
Những phát âm bản năng có thể mang tính di truyền. Trong cuốn sách của Robert Provine có nêu một bằng chứng cụ thể, cặp song sinh giống hệt nhau, bị xa cách vì hoàn cảnh gia đình, họ được đoàn tụ 40 năm sau đó, và thật ngạc nhiên họ cười với phong cách cũng giống hệt nhau.
Tuy nhiên, ông nói rằng cần phải nghiên cứu thêm để thật sự hiểu được những đặc tính di truyền của tiếng cười.
Nhóm tuổi khác nhau, tiếng cười cũng biến đổi. Hầu hết trẻ em cười dưới hình thức tự phát vì chúng chưa biết tự kiềm chế. Người lớn cười thường che miệng để che giấu khuôn mặt của họ.
James nói: “Một đứa trẻ sẽ cười khi bị cù nách hoặc đùa nghịch trò chúng thích như tung lên cao, thể hiện khuôn mặt buồn cười. Người lớn cười từ khoái cảm chính bản thân mình hoặc cười vì niềm vui nỗi buồn của người khác”.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, con người ở bất kể lứa tuổi nào, càng cười càng đầy niềm vui sướng càng hạnh phúc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Mashable. Đây là website tin tức, công nghệ và mạng xã hội được thành lập năm 2005.



Loài động vật nào nhanh nhất hành tinh?

Loài vật nào nhanh nhất hành tinh? Nếu trả lời là báo Gêpa, có thể chưa chính xác. Kỷ lục sinh vật nhanh nhất còn có thể là chim ưng, loài tôm hoặc thậm chí là sứa...
 Kỷ lục sinh vật nhanh nhất còn có thể là chim ưng, loài tôm hoặc thậm chí là sứa nếu tiếp cận khái niệm "chuyển động" dưới góc độ rộng hơn. Thật sự, việc xác định đâu là loài vật có chuyển động nhanh nhất hành tinh không phải là chuyện đơn giản. Chúng ta hãy cùng đi sâu vào câu hỏi phức tạp này nhé.

Trên thực tế, ý tưởng báo gêpa là loài sinh vật nhanh nhất hành tinh đã được hình thành từ nhiều năm. Hầu hết mọi người, từ nhỏ đến lớn đều chấp nhận câu trả lời này. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ khách quan hơn thì việc phân định ngôi đầu bảng về tốc độ nhanh nhất trong thế giới động vật không đơn giản như xác định loài nặng nhất (cá voi xanh) hoặc cao nhất (hươu cao cổ).

Sheila Patek, nhà sinh vật học tại Đại học Duke, Hoa Kỳ cho biết: "Khi chúng ta nói về tốc độ của một chuyển động, cần phải phân định rõ ràng nhiều yếu tố như thời gian thực hiện toàn bộ chuyển động, quá trình tăng tốc, tốc độ tính bằng chiều dài cơ thể trên giây… Đồng thời, không chỉ xét riêng chuyển động của toàn thân mà còn phải nghiên cứu rộng hơn, xác định chuyển động của các bộ phận trên cơ thể và cả khả năng tạo ra tốc độ,…"

Chuyển động của toàn bộ cơ thể?
 
Liệu báo gêpa có phải là loài động vật chạy nhanh nhất?


Điển hình như, báo gêpa có thể là "động vật nhanh nhất" nếu bạn giới hạn phạm vi lại và chỉ cho nó chạy từ điểm A đến điểm B. Trong trường hợp này, rõ ràng nó có thể chạy với tốc độ lên tới 29 m/s. Nhưng hãy tìm hiểu sâu hơn bối cảnh diễn ra hành động này. Con báo chạy vì một lý do: Săn mồi. Hầu hết con mồi đều không ngốc tới mức đánh cược mạng sống của chúng vào việc chạy đua trên đường thẳng với con báo. Thay vào đó, chúng chọn cách chạy zig zac. Điều đó có nghĩa là mặc dù báo có khả năng đạt tốc độ 29 m/s trong điều kiện thử nghiệm lý tưởng, nhưng trong thế giới giới tự nhiên, trung bình nó chỉ đạt được tốc độ 15 m/s và duy trì được tốc độ này từ 1 đến 2 giây.


Loài ve Paratarsotomus macropalpis, chỉ dài khoảng 0,7 mm, nhưng lại có thể chạy được quãng đường dài gấp 322 lần chiều dài cơ thể mỗi giây, khiến nó trở thành loài vật chạy nhanh nhất hành tinh


Patek cho biết: "Báo có gia tốc tương đối thấp và do đó, nó mất khá nhiều thời gian để đạt được tốc độ ấn tượng như chúng ta thường thấy." Nếu xét đơn vị đo tốc độ là "chiều dài cơ thể/giây" thì có thể ngôi vương lại nhường cho loài ve Paratarsotomus macropalpis. Loài ve này có thể chạy được quãng đường gấp 322 lần chiều dài cơ thể mỗi giây. Tốc độ này qua mặt cả bọ hổ Úc với tốc độ 171 lần chiều dài cơ thể mỗi giây.


Hình ảnh một con cá buồm Đại Tây Dương, được mệnh danh là loài cá bơi nhanh nhất đại dương

Một loài động vật khác cũng thường xuất hiện trong các cuộc nói chuyện về "nhanh nhất" là cá buồm. Đây là một loài cá lớn, có cùng họ với cá Marlin và cá kiếm. Nó được biết đến như loại cá nhanh nhất đại dương, có thể đạt tốc độ khoảng 30 m/s khi lướt trên những con sóng. Bên cạnh đó, phần lớn những ông hoàng tốc độ trong thế giới động vật này thường sở hữu điểm đặc biệt để thích ứng với tốc độ cao. Tiến hóa đã cho loài cá buồm có những mô đặc biệt, giúp tăng cường công suất hoạt động của các dây thần kinh nhãn cầu khi đang di chuyển ở tốc độ cao.


Chim cắt, sinh vật được cho là nhanh nhất bầu trời với khả năng nương theo trọng lực để tạo gia tốc, đạt tốc độ lao xuống tới 58 m/s

Trên đây chúng ta đã có sinh vật nhanh nhất trên cạn và dưới biển, thì ngôi vị này trên không trung sẽ thuộc về chim cắt (falcon). Khi săn mồi, chim cắt có thể tìm đến vị trí rất cao, sau đó lợi dụng trọng lực để lao xuống con mồi bên dưới. Trong một nghiên cứu, một con Cắt Bắc Cực (gryfalcon) tên là Kumpan có thể đạt tốc độ 52 đến 58 m/s sao khi lao từ độ cao 500 mét. Một thử nghiệm khác được thực hiện bởi National Geographic cho thấy chim cắt còn có thể đạt được tốc độ 82 m/s khi thả nó ra từ độ cao 4572 mét.

Một hướng tiếp cận khác: Chuyển động của 1 phần cơ thể

Đến đây, có thể tốc độ mà chim cắt đạt được có thể làm họ nhà báo phải hổ thẹn. Vậy chim cắt có xứng đáng nhận danh hiệu động vật nhanh nhất hành tinh? Câu trả lời còn phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa như thế nào về tốc độ.

Thí dụ, bạn có thể nhìn vào tốc độ lao xuống đáng kinh ngạc của chim cắt nhưng khoan đã, nó đã mất bao nhiêu giây để đạt được độ cao cần thiết? Điều đó có nghĩa là chim cắt có khả năng đạt được tốc độ cao nhưng phải nhờ vào sự giúp đỡ của trọng lực để đạt được gia tốc cần thiết.


Loài tôm tít với khả năng búng càng cực nhanh

Và nếu xét về khả năng tăng tốc, Patek đã có sẵn một số ứng cử viên trong thế giới động vật. Điển hình như tôm tít (mantis shrimp) với 2 chiếc càng như có lò xo, có thể búng cực mạnh về phía trước như một chiếc cung. Một khi búng ra, chiếc càng có thể bật ra và thu vào chỉ trong vòng chưa tới 3 mili giây.

Loài sứa còn có thể tạo ra gia tốc cao hơn khi nó tấn công kẻ thù. Lúc đó, sứa có thể phóng ra hàng tỷ sợi gai độc có kích thước cực nhỏ với vận tốc tương tương một viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology hồi năm 2008, mỗi gai độc được gọi là nematocysts, có thể được phóng ra trong vòng chưa tới 700 nano giây và tạo ra gia tốc lớn hơn gấp 5 lần so với gia tốc trọng trường.


Kiến bẫy hàm với đặc trưng là chiếc hàm có thể mở ra 180 độ và khép lại với tốc độ chưa tới 64 m/s

Rõ ràng, khả năng tăng tốc của các loài vật trên đây là khá ấn tượng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là nhất. Nếu xét tới khả năng dùng các bộ phận của cơ thể với tốc độ nhanh thì phải kể tới kiến bẫy hàm (ondotomachus) và mối Panamanian. Loài kiến bẫy hàm đặc trưng với phần hàm dưới có khả năng mở 180 độ giống như một cái bẫy. Bộ hàm này có khả năng đóng mở cực nhanh phụ thuộc vào các sợi lông mỏng trên bề mặt. Theo nghiên cứu, tốc độ đóng mở hàm của nó có thể đạt 64 m/s để giúp nó bật cả thân mình lên nhằm thoát khỏi nguy hiểm.

Một con kiến bẫy hàm tự búng người lên không để thoát nguy hiểm


Tuy nhiên, kiến bẫy hàm chỉ đáng xếp thứ 2 khi so với loài mối Panamanian. Dù không có bộ hàm oai vệ, nhưng chính nhờ điều kiện sống trong những hang đào chật hẹp, nên loài mối Panamanian lại sở hữu những nhát cắn chớp nhoáng, nhằm tạo ưu thế trong các cuộc cận chiến bảo vệ tổ. Đầu tiên, nó sẽ nghiến chặt quai hàm tới mức làm biến dạng nó, khi đạt giới hạn, quai hàm của nó sẽ trượt ra và phát xuất một lực cực mạnh búng vào kẻ thù. Phần lớn kẻ xâm lược sẽ chết lập tức sau cú cắn độc đáo này.

Video quay chậm cảnh một con kiến bẫy hàm đang tấn công đối thủ


Jeremy Niven, nhà nghiên cứu tại Đại học Sussex đã đo vận tốc của nhát cắn này là vào khoảng 67 m/s. Ông cho biết: "Chưa từng có nghiên cứu nào trước đây tìm thấy loài nào có được nhát cắn tốc độ như loài mối này."

 
Cận cảnh nhát cắn 67 m/s của loài mối Panamanian


Cuối cùng, câu trả lời cho câu hỏi loài vật nhanh nhất còn phụ thuộc vào cách bạn tiếp cận tới định nghĩa tốc độ và xác định đơn vị đo là gì. Đó là có thể là tốc độ tối đa, khả năng tăng tốc, quá trình tăng tốc,… đồng thời phải xét tới phạm vi chuyển động, chuyển động là toàn thân hay một phần cơ thể. Rõ ràng nếu so với nhát cắn của loài mối Panamanian thì loài báo chỉ là sinh vật chậm chạp. Nhưng như đã nói ở trên, dường như các kết luận so sánh tuyệt đối là quá khập khiễn. Quan trọng hơn là chúng ta giới hạn phạm vi đo lường lại và sẽ tìm được sinh vật đạt tốc độ nhanh nhất.