Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Vì sao chim cánh cụt... cụt cánh?

Không có khả năng bay lượn nhưng chim cánh cụt có những kỹ năng lặn để có thể tìm kiếm thức ăn ở những vùng nước biển sâu ít loài chim sánh được. Các nhà khoa học bị "bối rối" hàng chục năm trước khi có thể bật mí khả năng bơi lội cũng như cấu tạo của đôi cánh loài chim đặc biệt này.

Để hiểu về loài chim không biết bay này, các nhà khoa học nước Anh và Canada nghiên cứu loài Guillemots, một loại chim gần giống với chim cánh cụt. Chúng có thể bay và lặn dưới biển. Tuy nhiên, kỹ năng bay của loài vật này cũng không tốt lắm bởi đôi cánh không hoàn hảo đến mức có thể làm tốt cùng lúc hai vai trò này.
Chim cánh cụt không bay được bởi vì chúng là những thợ lặn xuất sắc nên đôi cánh không còn phù hợp với chức năng đầu tiên.

Họ phát hiện ra rằng, loài chim Guillemots sống ở Bắc Cực sử dụng ít năng lượng hơn so với hầu hết các loài chim khác khi lặn. Chúng sử dụng nhiều năng lượng nhất khi bay, lớn hơn gấp 31 lần so với năng lượng dùng khi nghỉ ngơi.

Giáo sư John Speakman thuộc ĐH Aberdeen (Anh) cho biết rằng: "Guillemots giống chim cánh cụt ở hành vi lặn và bơi, nhưng khác nhau ở chỗ chúng có thể bay. Mặc dù có thể bay nhưng loài Guillemots chỉ lặn sâu tới độ sâu 100m để kiếm mồi. Trong khi đó, chim cánh cụt có thể lặn tới độ sâu 300m (loài chim cánh cụt hoàng đế là 565m) để bắt cá, mực, động vật giáp xác... Tuy vậy, chúng lại chỉ có thể đi lại lạch bạch trên băng tuyết mà thôi. Điều này càng khẳng định rằng, không có loài chim nào có thể vượt trội ở cả hai mặt bơi và bay".

 
Sau hàng chục năm nghiên cứu, các nhà khoa học giải được bài toán hóc búa vì sao chim cánh cụt không biết bay.

Các nhà khảo cổ học đã từng chứng minh, mật độ xương của chim cánh cụt ngày càng tăng lên trong 36 triệu năm qua. Xương của chim cánh cụt trước kia đều rỗng nên chúng có khả năng bay lượn. Tuy nhiên, những con chim cánh cụt ngày nay có bộ xương đặc nên trọng lượng cơ thể chúng nặng hơn nhiều so với tổ tiên. Chúng thay đổi việc kiếm ăn từ không trung xuống dưới biển nên khả năng bay dần biến mất.
 
Nhà động vật học Kyle Elliott của ĐH Manitoba, Winnipeg (Canada) cho hay: "Rõ ràng, việc chim cánh cụt không biết bay có thể coi là một hạn chế nhưng thay vào đó chúng bơi lội, lặn ngụp rất giỏi. Có thể chúng không hoạt động tốt ở môi trường thứ nhất giống như tên gọi của nó là loài chim không biết bay nhưng lại là vận động viên bơi lội cừ khôi dưới nước mà ít loài chim có thể sánh kịp. Tóm lại là một loài động vật có chân chèo tốt không cần khả năng bay bởi cũng dễ dàng kiếm được mồi dưới nước".
 


1 nhận xét: