Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Nguồn gốc của những ngày Tết cổ xưa nhất thế giới


Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều tổ chức các hoạt động đón chào năm mới vào ngày 1/1 theo lịch Công giáo.
Truyền thống này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 153 TCN tại La Mã. Trên thực tế, lịch gốc của người La Mã cổ chỉ có 10 tháng và bắt đầu từ ngày 1/3.
Đến năm 700 TCN, vị vua thứ hai của La Mã là Numa Pontilius quyết định thêm tháng 1 và 2 để ứng với 12 chu kỳ mặt trăng.
Tuy nhiên, cách tính này vẫn còn nhiều điểm chưa chính xác và gây ra bất tiện. Do đó, vào năm 45 TCN, Julius Caesar đã có một sự thay đổi lớn:
Ông giữ nguyên 12 tháng nhưng thêm ngày vào các tháng để chúng trùng với chu kỳ của mặt trời
Cùng với đó, Caesar ấn định ngày 1/1 hàng năm là ngày lễ tôn vinh Janus - vị thần La Mã biểu trưng cho sự khởi đầu.
Trong dịp này, người La Mã sẽ đem các đồ cúng tế, trao đổi quà tặng, trang trí nhà cửa và tham dự các lễ hội.
Đến thời Trung Cổ, Giáo Hội châu Âu đã có từng thay thế cột mốc đón chào năm mới 1/1 bằng ngày Giáng sinh 25/12.
Nhưng cuối cùng, Giáo hoàng Gregory XIII đã khôi phục lại ngày lễ này vào năm 1582.
Tết Nguyên đán
Một trong những lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời nhất chính là tết Âm lịch tại Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác.
Theo các nhà sử học, tết Nguyên đán ra đời cách đây 3.000 năm dưới đời nhà Thương của Trung Quốc.
Ban đầu, nó được tổ chức nhằm ăn mừng một mùa cấy trồng mới nhưng sau đó, Tết Âm lịch lại gắn liền với nhiều truyền thuyết và bí ẩn.
Một trong số đó có liên quan đến Niên - sinh vật khát máu thường tìm cách ăn thịt dân làng vào dịp năm mới.
Để xua đuổi con quái vật này, người dân trang trí nhà cửa bằng những sợi dây đỏ, cây nêu và tạo ra âm thanh ầm ỹ.
Đó cũng là lý do vì sao mà cho đến ngày nay, trong ngày tết Âm lịch, người ta thường sử dụng những màu sắc sặc sỡ để xua tan tà ma và đem lại may mắn.
Dịp tết Nguyên đán thường rơi vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 của Dương lịch. Đặc biệt, mỗi năm Âm lịch lại biểu trưng bằng 1 con giáp, bao gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Tết Nowruz
Ngày Tết của người Ba Tư, hay còn được gọi là Nowruz, kéo dài trong gần nửa tháng. Ngày nay, nó vẫn còn được tổ chức tại Iran và một vài quốc gia vùng Trung Đông.
Lễ Nowruz diễn ra vào ngày Xuân phân ở Bắc bán cầu, thường rơi vào khoảng 21/3 hàng năm.
Những tài liệu cổ nhất về lễ Nowruz được tìm thấy có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 2, song nhiều nhà sử học tin rằng, nó bắt nguồn vào khoảng thế kỷ 6 TCN và do người Hỏa giáo sáng lập nên
Theo tục lệ, những người dân sẽ ăn uống, trao đổi quà tặng giữa các thành viên trong gia đình và hàng xóm láng giềng.
Ngoài ra, các đám lửa to sẽ được đốt lên, cùng với đó là những quả trứng được nhuộm màu sặc sỡ.
Tết Wepet Renpet
Nền văn hóa của người Ai Cập cổ có mối quan hệ mật thiết với dòng sông Nile. Chính vì vậy, lễ đón chào năm mới của người Ai Cập cổ không diễn ra vào một ngày cố định mà gắn liền với ngày nước sông dâng lên, thường là vào tháng 7 hàng năm.
Ngày Tết của người Ai Cập cổ có tên Wepet Renpet (có nghĩa 'mở cửa năm mới'). Đây là dịp lễ có ý nghĩa quan trọng đối với người Ai Cập vì nó là sự kiện nhằm đảm bảo khả năng sinh sôi nảy nở, phát triển của nông nghiệp, mùa màng bội thu trong năm mới.
Người Ai Cập xưa dự đoán ngày lễ Wepet Renpet bằng cách quan sát chu kỳ của Thiên Lang - ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.
Những tàn tích khảo cổ khai quật tại Khu đền cổ Mut cho thấy dưới triều đại của Pharaon Hatshepsut, người Ai Cập thậm chí còn gọi tháng đầu tiên trong năm là 'Lễ hội dành cho người say'.
Trong những ngày này, âm nhạc sẽ liên tục vang lên, còn người dân cười nói, chè chén say sưa trong các cuộc vui bất tận.
Tết Akitu
Akitu là lễ hội đón năm mới của người Babylon cách đây 2.000 năm. Diễn ra vào thời điểm khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm, Akitu được tổ chức để tôn vinh Marduk, vị thần tối cao của người Babylon và để đánh giấu sự bắt đầu của mùa trồng trọt
Một điểm hấp dẫn, độc đáo của lễ hội Akitu đó là nghi thức sỉ nhục sức chịu đựng của nhà vua.
Theo phong tục truyền thống, nhà vua Babylon sẽ đứng trước bức tượng của vị thần Marduk rồi lột bỏ y phục hoàng gia. Tiếp đó, một linh mục sẽ tát và kéo tai ông.
Nếu như vua rơi nước mắt thì nó được coi là một dấu hiệu cho thấy thần Marduk rất hài lòng về ông cũng như tượng trưng cho việc quân vương này sẽ mở rộng sự cai trị của mình trong năm mới.
Sau nghi thức này là cuộc diễu hành của tượng các vị thần, ca múa và các lễ hiến tế.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

1 nhận xét: